(Dẫn nguồn: Tạp chí Điện tử Thanh tra/ thanhtravietnam.vn) – Đó là một trong những tồn tại, khuyết điểm của Bộ Y tế đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tại Thông báo Kết luận thanh tra số 154/TB-TTCP về việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Cụ thể, Bộ Y tế tham mưu xây dựng văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành còn có nội dung trái với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn hoặc có nội dung trong cùng văn bản còn chưa thống nhất; có nội dung không sát thực tế, quy định không triển khai được ngay khi Nghị định có hiệu lực, phải sửa đổi bổ sung nhiều lần.
Một số văn bản hướng dẫn còn nhiều bất cập, không phù hợp thực tiễn nhưng trong thời gian dài không kịp thời điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay thế; còn chậm sửa đổi, bổ sung các văn bản khi đã có những văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan. Tại thời điểm thanh tra, vẫn thực hiện một số văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực.
Đồng thời, việc xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc thiếu chặt chẽ, chưa đủ cơ sở; các định mức và giá VTYT tiêu hao không sát thực tế sử dụng (cao hoặc thấp hơn). Chưa rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những quy định bất cập về định mức kinh tế kỹ thuật để kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/5/2019.
Đáng nói, Bộ Y tế không hướng dẫn thực hiện phương thức thanh toán chi phí KCB theo định suất và phương thức thanh toán theo trường hợp bệnh; không ban hành đầy đủ giá của 18.239 dịch vụ thanh toán BHYT; không quy định cụ thể, chi tiết trong việc thanh toán của cơ quan BHXH đối với những thuốc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng có giá trúng thầu cao bất hợp lý khi quy đổi về cùng hàm lượng tương đương; không phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành khung giá dịch vụ KCB theo yêu cầu theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ.
Thông báo Kết luận thanh tra nêu rõ, Bộ Y tế đã ban hành bộ mã danh mục dùng chung trong KCB và thanh toán BHYT, danh mục mã hóa khám bệnh và giường bệnh chưa đủ theo thực tế. Không chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời những vấn đề cơ sở y tế hoặc cơ quan BHXH cần giải đáp. Do đó, BHXH Việt Nam và BHXH một số tỉnh, thành phố ban hành văn bản có nội dung mang tính quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, áp dụng tài liệu không phải văn bản chính thức do Bộ Y tế ban hành… nhưng không được chấn chỉnh, xử lý kịp thời, gây khó khăn cho các cơ sở KCB.
Có trường hợp trong thanh toán chi phí KCB không đúng nhưng không được kiểm tra, phát hiện và xử lý. Việc thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia về chính sách BHYT còn hình thức, không xây dựng được Quy chế hoạt động, dẫn đến không phát huy được vai trò, nhiệm vụ.
Đặc biệt, Bộ Y tế còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về TTBYT, VTYT tiêu hao. Trong đó, chưa tham mưu xây dựng được Luật quy định đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về TTBYT và VTTH; các quy định nhằm quản lý nói chung và trong mua sắm nói riêng về TTBYT, VTTH chưa được xây dựng đầy đủ.
Có dấu hiệu lợi ích nhóm trong cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế
Mặt khác, công tác quản lý giá TTBYT và VTYT tiêu hao còn yếu kém. Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm của Bộ Y tế còn hạn chế, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác KCB; không sát thực tế cả về số lượng sử dụng và giá kế hoạch, cùng một mặt hàng ở cùng thời điểm nhưng giá được phê duyệt ở đơn vị khác nhau có giá khác nhau… Trong thời gian dài, không công khai kết quả trúng thầu trên Trang thông tin điện tử theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 62 Nghị định số 36/2016/NĐ-CP; đến ngày 10/7/2020 mới ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BYT để quy định thực hiện.
Các mặt hàng thuộc sản phẩm giáp ranh giữa thuốc và VTYT tiêu hao chưa được Bộ Y tế quy định cụ thể. Việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế còn sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm và dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về giá thuốc còn để doanh nghiệp chưa thực hiện đúng về đối tượng kê khai theo quy định tại điểm c, điểm d Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BYT-BCT ngày 30/12/2011; tiến hành xem xét hồ sơ kê khai giá của doanh nghiệp còn chậm so với quy định; công tác lưu trữ hồ sơ của Cục Quản lý Dược (QLD) còn hạn chế.
Về công tác quản lý nhà nước về đấu thầu thuốc, Bộ Y tế chậm ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; chưa công bố kịp thời các loại thuốc biệt dược đã hết bảo hộ độc quyền; chưa phối hợp với BHXH Việt Nam để sửa đổi, bổ sung quy định về kê đơn thay thế các thuốc biệt dược gốc bằng thuốc generic.
Việc công khai giá trúng thầu thuốc trên Trang thông tin điện tử của Cục QLD còn trường hợp chậm, chưa thực hiện nghiêm quy định; một số hoạt chất có phân nhóm nồng độ, hàm lượng, đơn vị tính, dạng bào chế giống hệt nhau nhưng được phê duyệt giá kế hoạch khác nhau. Đáng nói, Bộ đã phê duyệt kế hoạch mua sắm trực tiếp với những thuốc không có tên trong kế hoạch đấu thầu được duyệt trước đó, vượt 20% số lượng đã trúng thầu hoặc vượt giá trị 2 tỷ đồng/năm, vi phạm quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 36/2013/TTLT-BYT-BTC.
Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Bạch Mai mời thầu mua thuốc thí điểm cho Nhà thuốc bệnh viện năm 2018 và 2019 đối với 02/03 gói thầu theo tên thương mại là trái quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật Dược 2016, Khoản 1, 2 Điều 5 Thông tư số 11/2016/TT-BYT, Khoản 2 Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP…
Thanh tra Chính phủ kết luận, trách nhiệm về các thiếu sót, vi phạm được phát hiện qua thanh tra trong việc quản lý sử dụng quỹ BHYT, mua sắm TTBYT và VTTH, đấu thầu thuốc chữa bệnh thuộc lãnh đạo Bộ Y tế được giao phụ trách thời kỳ 2014-2018, các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Y tế./.
Hoàng Minh – Việt Anh